Căng thẳng ảnh hưởng đến huyết áp. Ảnh: Freepik

Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường không gây ra triệu chứng và xuất huyết khá nhanh. Đây là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh như đau tim, thận, đột quỵ. Với một người từng được chẩn đoán huyết áp cao, việc kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định, tránh những đợt tăng huyết áp đột ngột là nhiệm vụ hàng đầu.

Bên cạnh một số loại thuốc chống tăng huyết áp (nếu được bác sĩ chỉ định), người bệnh cao huyết áp nên điều chỉnh một số thói quen sống để có thể sống khỏe với căn bệnh này.

Kiềm chế cảm xúc: Trầm cảm, căng thẳng có mối liên quan với bệnh huyết áp cao. Khi thấy mình thường xuyên mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt để có hướng điều trị. Người bệnh có thể được kê thuốc giúp kiểm soát tình trạng bệnh hoặc được tư vấn, thay đổi cảm xúc bằng liệu pháp tâm lý. Các bài tập yoga, thiền, tịnh tâm hay các hoạt động xã hội có thể giúp bớt căng thẳng.

Kiểm tra và theo dõi áp lực huyết áp: Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra và ghi lại nhật ký huyết áp. Thời gian kiểm tra có thể cách nhau 3-5 ngày hoặc một tuần. Các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đồng hồ thông minh có thể lưu các bản ghi huyết áp của người bệnh. Những con số này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị.

Thời gian dùng thuốc: Người bệnh sẽ sống khỏe với bệnh huyết áp cao nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, nhất là đảm bảo thời gian uống thuốc đều đặn, đúng liều mỗi ngày. Người bệnh có thể thử dùng thuốc vào nhiều khung giờ trong ngày và quan sát các thay đổi, từ đó xác định thời điểm thuốc đạt hiệu quả cao nhất để duy trì huyết áp mục tiêu trong thời gian dài.

Chú ý đến các yếu tố kích hoạt huyết áp: Có người bị huyết áp cao sau khi ăn đồ ăn nhiều muối nhưng người khác lại bị tăng huyết áp sau khi uống một ly rượu. Bạn nên ghi lại nhật ký tiêu thụ thực phẩm, từ đó loại bỏ các yếu tố kích thích huyết áp, lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Thói quen lành mạnh: Thay đổi lối sống là một thành phần quan trọng trong kế hoạch giảm huyết áp. Những thay đổi người bệnh cần thực hiện, bao gồm: giảm cân nếu cân nặng vượt chỉ số đề ra, bỏ thuốc lá, ăn một chế độ ăn uống giàu sữa, trái cây và rau củ quả, giảm chất béo bão hòa, hạn chế muối (lượng natri không quá 2.300 mg mỗi ngày), tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần, hạn chế uống rượu.

Lắng nghe sức chịu đựng của cơ thể: Người mắc bệnh huyết áp cao nên lắng nghe sức khỏe bản thân, không chọn các bài tập quá nặng như leo núi, tập tạ… tránh để cơ thể phải gắng sức. Trong các hoạt động hằng ngày như du lịch, đi chơi, khi cơ thể cảm thấy mệt, người bệnh nên dừng lại nghỉ ngơi, tránh để xảy ra tình trạng khó thở.

Tìm hỗ trợ từ những người mắc huyết áp cao: Các nhóm hỗ trợ điều trị tăng huyết áp có thể giúp bạn chia sẻ cũng như cung cấp các thông tin hữu ích trong quá trình quản lý huyết áp. Những người bị huyết áp cao có thể chia sẻ các mẹo và công thức chế biến các món ăn ngon, cách vận động giúp giảm huyết áp hoặc cùng bạn hoạch định nhiều kế hoạch tương lai cho tình trạng này.

Hà Phượng (Theo Very Well Health)