Khối u ở cổ có thể là dấu hiệu của bướu cổ, cần thăm khám. Ảnh: Freepik

Bệnh tuyến giáp xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, phát triển lớn hơn bình thường khiến cổ sưng lên. BS.CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nam giới bị bướu cổ thấp hơn 1/4 lần so với phụ nữ. Dưới đây là một số loại bệnh tuyến giáp phổ biến ở nam giới.

5 loại bệnh tuyến giáp

Cường giáp

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Nguyên nhân phổ biến gây bệnh cường giáp ở nam là bệnh Graves (Basedow) với bướu giáp mạch lan tỏa kèm lồi mắt hoặc không, số còn lại là bướu giáp đa nhân hóa độc do hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức bình thường. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng bao gồm run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, ăn nhiều mà gầy, sụt cân và thường hay nóng tính bất thường.

Suy giáp

Suy giáp là do tình trạng chức năng tuyến giáp suy giảm, gây thiếu hụt hormone tuyến giáp, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa và nhiều quá trình khác trong cơ thể. Người bệnh thường có các triệu chứng như mệt mỏi, sợ lạnh, giọng khàn khàn, nhịp tim chậm lại, tăng cân, mặt phù, sưng phù quanh mắt, đau khớp, giảm trí nhớ, trầm cảm, táo bón. Nam giới cần đến gặp bác sĩ sớm để tìm nguyên nhân gây suy giáp như viêm tuyến giáp Hashimoto, sau điều trị cường giáp, phẫu thuật tuyến giáp, điều trị iốt phóng xạ.

Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng viêm (sưng) tuyến giáp. Viêm có thể dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc giảm hoạt động (suy giáp). Viêm tuyến giáp có nhiều loại khác nhau như viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp bán cấp hoặc cấp tính (nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn), viêm tuyến giáp do xạ trị.

Bướu giáp đơn thuần

Bướu giáp đơn thuần (bướu giáp bình giáp hay bướu giáp lành tính) là tình trạng phì đại tuyến giáp nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không phải là ung thư. Hai nhóm chính là bướu giáp đơn thuần dạng lan tỏa (trường hợp tuyến giáp to lan tỏa, bệnh nhân khu trú ở một khu vực địa lý nhất định như vùng núi cao) và bướu giáp đơn thuần thể nhân (bướu do tiếp xúc với phóng xạ hoặc rối loạn miễn dịch bẩm sinh, bướu có thể là một nốt lành tính, thể nhiều nốt thường gặp ở người lớn tuổi).

Một số người bị bướu cổ đơn thuần sẽ có các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động kém. Nếu tuyến giáp quá lớn gây chèn ép khí quản, thực quản dẫn đến khó thở, khàn tiếng, khó nuốt hoặc lồi ra phía trước gây mất thẩm mỹ.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp phát triển khi các tế bào thay đổi hoặc đột biến. Các tế bào bất thường bắt đầu nhân lên trong tuyến giáp, tạo thành một khối u. Người bệnh thường lúc đầu không có biểu hiện về sau xuất hiện các triệu chứng như sưng ở cổ, sưng hạch bạch huyết cổ, đau, khàn giọng, khó thở, khó nuốt.

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp có thể do tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao, di truyền. Bác sĩ Thùy Ngân chỉ ra các loại ung thư tuyến giáp và dẫn một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh.

Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm 80-90%. Khối u lan truyền qua các hạch lympho vùng, khoảng 1/3 bệnh nhân có thể di căn sang phổi. Bệnh nhân dưới 55 tuổi với u nhỏ khu trú tại tuyến giáp có tiên lượng tốt.

Ung thư tuyến giáp thể nang chiếm khoảng 10%, thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi và ở những vùng thiếu iốt, lan theo đường máu di căn xa.

Ung thư tuyến giáp thể tủy chiếm khoảng 4%, có tính chất gia đình được phát hiện ở giai đoạn đầu vì nó tạo ra một loại hormone calcitonin, di căn lan truyền qua hạch bạch huyết đến hạch các vùng cổ, trung thất, đôi khi đến gan phổi và xương.

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa chiếm 1% là dạng nghiêm trọng nhất, hiếm gặp, khó điều trị vì lan nhanh sang các bộ phận khác của cơ thể.

Điều trị bệnh tuyến giáp

Người bệnh có bướu cổ nhỏ, lành tính, chức năng tuyến giáp bình thường chỉ cần theo dõi, tái khám thường xuyên để kiểm tra sức khỏe. Với bệnh nhân có bướu cổ to gây chèn ép, ác tính, chức năng tuyến giáp bất thường có những phương pháp điều trị như điều trị nội khoa, iốt phóng xạ, phẫu thuật.

Điều trị nội khoa

Bác sĩ sử dụng các thuốc là hormone giáp, kháng giáp tổng hợp nhằm đưa hormone giáp về mức bình thường hoặc điều trị nhiễm trùng tại tuyến giáp. Người bệnh điều trị thuốc phải tuân thủ, đúng chỉ định, đều đặn hàng ngày, được kiểm tra định lượng hormone qua các lần kiểm tra định kỳ.

Phẫu thuật

Người bệnh sẽ được bác sĩ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp khi bướu cổ có những biến chứng như khó thở, khó nuốt, các nốt tuyến giáp gây ra cường giáp, ung thư tuyến giáp… Tùy thuộc vào lượng tuyến giáp bị loại bỏ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp để ổn định sức khỏe cho bệnh nhân.

Điều trị bằng iốt phóng xạ

Iốt phóng xạ là phương pháp điều trị khi tuyến giáp hoạt động quá mức thông qua đường uống. Cơ thể khi hấp thụ iốt phóng xạ sẽ phá hủy các tế bào trong tuyến giáp, làm giảm hoặc loại bỏ việc sản xuất hormone, giảm kích thước của bướu cổ. Người bệnh cũng được dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp để duy trì mức độ ổn định hormone.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu, kích thước bướu cổ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Do đó, khi phát hiệu dấu hiệu bất thường ở cổ, người bệnh nên đếnkhám tại chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để các bác sĩ chẩn đoán, có phương pháp điều trị phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Bác sĩ Thùy Ngân cho biết, chỉ có bướu cổ đơn thuần – loại bướu cổ duy nhất ở nam giới do thiếu iốt mới có thể phòng ngừa bằng cách bổ sung những loại thực phẩm chứa iốt như tảo bẹ, cá biển, các loại động vật có vỏ cứng ở biển, sữa, muối iốt…

Mai Hoa