Bác sĩ tiến hành phẫu thuật vá nhĩ cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trả lời:

Màng nhĩ ngăn cách tai ngoài và tai giữa. Khi sóng âm truyền từ tai ngoài đến màng nhĩ, nó sẽ rung động để truyền năng lượng âm thanh đến các xương nhỏ ở tai giữa. Sau đó, chuỗi xương này truyền các tín hiệu âm thanh vào tai trong. Khi màng nhĩ bị thủng, việc truyền âm thanh sẽ bị gián đoạn khiến chúng ta nghe kém hơn. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí lỗ thủng mà mức độ nghe kém sẽ khác nhau.

Phẫu thuật vá nhĩ giúp làm lành màng nhĩ, phục hồi thính lực. Tuy vậy, hiệu quả điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào tình trạng thủng màng nhĩ của mỗi người. Trường hợp của bạn dù thủng màng nhĩ do viêm tai giữa đã khá lâu vẫn có thể phẫu thuật vá nhĩ. Nhưng bạn cần đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ kiểm tra tai, đánh giá lỗ thủng, sức nghe, các biến chứng nếu có để có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Sau khi đã đánh giá toàn diện, bác sĩ mới có thể kết luận tai bạn sau phẫu thuật vá nhĩ có thể nghe lại được bình thường không.

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phẫu thuật vá nhĩ được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ phía sau tai hoặc phẫu thuật nội soi trong ống tai để tiếp cận màng nhĩ.

Tùy thuộc tình trạng của từng người, bác sĩ sẽ làm sạch mô viêm trên màng nhĩ và tai giữa; vá màng nhĩ bằng một mảnh mô của chính bệnh nhân, được lấy từ lớp vỏ bao của cơ thái dương hoặc từ màng sụn tai (gọi là tạo hình màng nhĩ). Phẫu thuật này thường sẽ mất 1-2 giờ. Nếu kiểm tra có tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động của 3 xương nhỏ ở tai giữa, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành chỉnh sửa tại chỗ hoặc đặt vật liệu thay thế (được gọi là chỉnh hình xương con). Bác sĩ phẫu sử dụng kính vi phẫu hoặc hệ thống nội soi tai để quan sát và phẫu thuật màng nhĩ, các xương con trong tai.

Trước ngày phẫu thuật, bạn cần thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc đang dùng, các thành phần mà bạn bị dị ứng bao gồm thức ăn, thuốc, các loại xà bông, sữa tắm… Nếu trước ngày phẫu thuật, bạn bị cảm cúm, chảy dịch tai hoặc bất cứ vấn đề khó chịu ở tai thì cần quay lại khám tai mũi họng để bác sĩ kiểm tra và điều trị triệt để. Đôi khi điều này sẽ làm trì hoãn ca mổ thêm vài ngày hay vài tuần, nhưng mục đích là để chuẩn bị thật tốt trước phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt một miếng xốp mềm trong tai và giữ trong 5-7 ngày. Bạn không nên để nước lọt vào tai, không ngoáy tai, xì mũi mạnh, không đi máy bay, bơi lội và phòng tránh cảm cúm. Bạn cần uống thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn sau mổ.

ThS.BS.CKI Trương Trí Tường
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM