Khi trẻ bị sốt, phụ huynh nên bổ sung nước đầy đủ cho bé, hạn chế mặc quá nhiều quần áo dày

Nên sử dụng thuốc khi cần thiết

Nếu cơn sốt nhẹ và bé có vẻ ổn, phụ huynh có thể để cơn sốt tự khỏi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể giảm bớt sự khó chịu cho bé bằng cách sử dụng thuốc aceteminophen (cho trẻ trên 3 tháng) hoặc ibuprofen (cho trẻ trên 6 tháng). Những loại thuốc này thường có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng và hạ khoảng 1 dến 2 độ C, vừa đủ để khiến bé cảm thấy đỡ mệt hơn. Phụ huynh nên hỏi bác sĩ về liệu lượng phù hợp với bé trước khi sử dụng.

Nên cho trẻ ăn vừa đủ

Khi bị sốt, trẻ có thể ăn ít hơn bình thường. Tuy nhiên, khi bé muốn ăn hãy cho bé ăn những món ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng. Khi được ăn uống đầy đủ chất, khả năng chống viêm của cơ thể sẽ tốt hơn.

Nên bổ sung nước đầy đủ

Sốt gây đổ mồ hôi có thể làm trẻ mất nước vì vậy phụ huynh nên cho bé uống nhiều nước. Nếu trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy hãy cho bé uống nước điện giải.

Nên chườm khăn ấm cho bé

Chườm khăn ấm khi trẻ bị sốt là một trong những phương pháp hạ sốt dựa trên nguyên lý tác động từ bên ngoài làm giảm dần nhiệt độ cơ thể. Một trong những nguyên nhân khiến cơ thể trẻ bị sốt là do các lỗ chân lông bị bít lại do lạnh đột ngột, các mạch máu co lại khiến lưu lượng máu lưu thông bị giảm. Do đó, việc chườm nóng có tác dụng làm giãn nở lỗ chân lông trên cơ thể, giãn các mạch máu ngoại vi, tăng khả năng lưu thông máu, tăng khả năng tản nhiệt giúp hạ nhiệt nhanh hơn.

Cha mẹ cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt 2 bên nách và 2 bên bẹn trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người của trẻ. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37 độ C). Thông thường nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng từ 30-45 phút.

Không nên mặc quá nhiều quần áo

Các chuyên gia lưu ý không nên mặc cho trẻ quá nhiều quần áo hoặc quấn chăn quá dày khi bé đang bị sốt vì điều này có thể cản trở quá trình thoát nhiệt ra khỏi bên ngoài cơ thể và khiến nhiệt độ tăng cao hơn.

Những điều nên tránh

Cha mẹ lưu ý tuyệt đối không sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt cho bé, vì sẽ dẫn đến hội chứng Reye. Không tắm và lau người trẻ bằng nước lạnh và cồn, vì nó có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể trẻ. Không sử dụng thuốc trị cảm cúm và cảm lạnh với trẻ dưới 4 tuổi. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc ở những lần bệnh trước nếu không có chị đỉnh của bác sĩ.

Một số lưu ý khi hạ sốt cho trẻ

Về tuổi của trẻ, nhìn chung, trẻ càng nhỏ thì các cơn sốt càng đáng lo ngại. Hãy cho bé đi viện trong các trường hợp sau: trẻ sơ sinh dưới 3 tháng sốt từ 38 độ C trở lên, trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi sốt từ 39 độ C trở lên, trẻ trên 6 tháng tuổi sốt từ 39,5 độ C trở lên.

Thời gian sốt cũng là yếu tố cần lưu ý. Đối với trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi, hãy đưa đi khám bác sĩ nếu bé sốt trong hơn 24 tiếng. Ngoài ra, nếu cơn sốt dai dẳng hai ngày trở lên và không có dấu hiệu hồi phục ở trẻ từ 1 đến 2 tuổi, và sốt trên 3 ngày với trẻ từ 2 tuổi trở lên, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện.

Phụ huynh nên liên hệ với bác sĩ nếu phát hiện những bệnh cần điều trị thêm như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng tiết niệu hoặc viêm họng. Các triệu chứng đáng lo ngại có thể kể đến như nôn nhiều, tiêu chảy, đau tai dữ dội, nhức đầu, đau họng, cứng cổ, bơ phờ, khó thở, phát ban không rõ nguyên nhân, mất nước (tã ít ướt hơn, giảm hoặc không chảy nước mắt)

Ngoài ra, hãy đưa con đi kiểm tra nếu bé đang mắc sẵn các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, tiểu đường… Trong một trường hợp, sốt có thể gây ra co giật, nhưng các chuyên gia biết, tình trạng này không quá đáng lo ngại và không gây ra tổn thương lâu dài.

Thảo Miên