Trái cây, ngũ cốc, rau xanh là những thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Ảnh: Freepik

Ung thư là bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát, có khả năng xâm nhập, phá hủy mô, tế bào cơ thể bình thường. Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua hạch bạch huyết, phát triển, phân chia nhanh chóng đến khu vực khác gọi là sự di căn.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, khoa học đã chứng minh có thể ngăn ngừa đến 50% số ca tử vong do ung thư bằng cách giảm bớt hoặc tránh yếu tố nguy cơ. Cụ thể là chế độ dinh dưỡng, hút thuốc lá, giảm tiêu thụ rượu, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và giảm yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng.

Ví dụ, hoạt động thể lực cần được thiết lập phù hợp theo tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, tình trạng sinh lý và nên trở thành thói quen hàng ngày trong suốt cuộc đời. Các bài tập vận động giúp cơ thể hạn chế tích lũy mỡ, kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý. Người trưởng thành nên dành thời gian từ 45-60 phút mỗi ngày tập luyện với cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe hoặc một số các hoạt động khác như: khiêu vũ, tập nhảy, bơi lội.

Về chế độ dinh dưỡng, bác sĩ Trà Phương đưa ra gợi ý được chứng minh góp phần giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư ở mỗi người.

Ăn nhiều ngũ cốc, rau xanh, trái cây và các loại đậu đỗ: Khẩu phần ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây, các loại đậu đỗ cung cấp nhiều chất xơ giúp bảo vệ cơ thể phòng chống ung thư đại trực tràng, ung thư đường tiêu hóa khác. Đồng thời, chế độ ăn giúp kiểm soát, duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì.

Mục tiêu khuyến nghị hướng đến cụ thể là ở người trưởng thành mỗi ngày cần cung cấp ít nhất khoảng 30 g chất xơ đến từ thực phẩm, chủ yếu có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh không chứa tinh bột, trái cây, các loại đậu như đậu lăng, đậu nành… Một chế độ ăn cân đối có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật cần ít nhất 400 g rau và trái cây không tinh bột mỗi ngày.

Hạn chế thức ăn nhanh, chế biến nhiều chất béo và chất bột đường: Hậu quả của việc ăn nhiều và thường xuyên các loại thức ăn nhanh (một loại thực phẩm có sẵn tiện lợi, cung cấp nhiều năng lượng), ăn nhiều các thực phẩm chứa đường đơn, nhiều chất béo xấu là nguyên nhân cơ thể tích lũy nhiều mỡ. Điều này dẫn tới thừa cân béo phì, nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Thực tế, có nghiên cứu chứng minh sự gia tăng lượng đường và insulin trong máu sau khi tiêu thụ thực phẩm là một trong những nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung.

Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn: Khuyến nghị này không loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ trong khẩu phần ăn bởi thịt là nguồn cấp giá trị dinh dưỡng lớn, giàu protein, giàu sắt, kẽm và vitamin B12 cần thiết cho cơ thể. Một người trưởng thành nên ăn khẩu phần đa dạng cung cấp protein có nguồn gốc động vật gồm các loại thịt đỏ, thịt trắng (gia cầm, thủy hải sản), trứng, sữa và protein có nguồn gốc thực vật gồm các loại đậu đỗ, ngũ cốc nguyên hạt. Lượng thịt đỏ nên ăn không quá 350-500 g mỗi tuần.

Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn hơn so với khuyến nghị là một trong những nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng. Các loại thịt chế biến sẵn có chứa nhiều muối, một số phương pháp nấu như nướng thịt trực tiếp ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra vết cháy có thể gây ung thư gọi là các amin dị vòng (HAC). Ngoài ra, khi phần mỡ béo nhỏ giọt vào vỉ nướng, ngọn lửa bao trùm lên thực phẩm sẽ tạo ra Hydrocarbon đa thơm (PAH) là một chất hóa học có nguy cơ gây ung thư.

Hạn chế nước ngọt có đường và cồn: Tiêu thụ nhiều nước ngọt có đường tuy cung cấp nhiều năng lượng nhưng chưa chắc làm giảm cảm giác thèm ăn. Do đó, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thừa cân béo phì ở cả trẻ em ở người lớn. Thừa cân béo phì dẫn tới phần trăm mỡ cơ thể lớn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý ung thư, các bệnh mạn tính không lây khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Ở nhiều quốc gia, bên cạnh khuyến nghị hạn chế uống các loại nước ngọt có đường còn khuyến nghị không nên uống quá nhiều nước ép trái cây ngọt bởi khả năng thúc đẩy tăng cân, tăng % mỡ tương tự.

Ngoài ra, uống nhiều rượu, đồ uống có cồn cũng có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và một số bệnh lý khác như bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ảnh hưởng chức năng gan…

Không tự ý bổ sung thực phẩm chức năng phòng bệnh ung thư: Đối với hầu hết mọi người, chế độ ăn hợp lý, đầy đủ, đa dạng và cân đối, lành mạnh cung cấp gần như đầy đủ dinh dưỡng. Việc tự ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng phòng bệnh ung thư mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị có thể dẫn đến hậu quả ngược lại hoặc đem lại tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ, tự ý bổ sung Beta – Caroten liều cao có thể là nguyên nhân gây ung thư phổi ở những người đã và đang hút thuốc.

Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm, nếu không may mắc ung thư thì người bệnh cần tuân thủ điều trị và hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng đặc thù cho từng loại và giai đoạn ung thư là khác nhau. Do đó, lời khuyên dinh dưỡng từ chuyên gia y tế rất quan trọng trong tình huống này. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân ung thư nhằm ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối nạc của cơ thể, giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc điều trị liên quan đến dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Kim Thư