Đây là thông tin do các khách mời chia sẻ trong hội thảo trực tuyến do tập đoàn dinh dưỡng Herbalife Nutrition phối hợp Báo Sức Khỏe và Đời Sống tổ chức vào cuối tháng 12. Hoạt động góp phần xây dựng thói quen về dinh dưỡng lành mạnh và lối sống tích cực trong cộng đồng để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân khiến 41 triệu người (chiếm 74%) tử vong trên toàn cầu; trong đó, khoảng 77% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền (Trưởng khoa Nội tiết Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Phó chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa, Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta hiện nay. Bệnh không lây nhiễm tạo ra gánh nặng bệnh tật rất lớn do nhiều người mắc bệnh phải điều trị suốt đời, tỷ lệ tàn phế và tử vong cao.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, các bệnh không lây nhiễm gây tử vong hàng đầu, hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại. Năm 2019, ước tính có 592.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính chiếm 66,2%. Có 41,5% người tử vong sớm, xảy ra trước tuổi 70.
Các bác sĩ dẫn thông tin của WHO cho thấy, bệnh không lây nhiễm có thể ngăn ngừa được. Bởi hút thuốc lá, ăn uống thiếu lành mạnh, lạm dụng bia rượu, lối sống không vận động và ô nhiễm không khí là yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn không lành mạnh có thể là ăn quá ít, ăn quá nhiều hoặc ăn thực phẩm nghèo dinh dưỡng. Lạm dụng bia rượu là yếu tố nguy cơ thường gặp gây xơ gan và ung thư. Thiếu vận động có thể làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật.
Theo Tiến sĩ Louis Ignarro (người đoạt giải Nobel Y học 1998, Thành viên Ủy ban Cố vấn dinh dưỡng Herbalife Nutrition), bệnh tim mạch là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng bệnh tim mạch là do di truyền. Nhưng thực tế, đây là một căn bệnh do lối sống. Chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động chính là căn nguyên dẫn tới tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch gia tăng nhanh như hiện nay.
Lối sống lành mạnh giúp phòng chống bệnh
Theo thông tin từ hội thảo, thay đổi lối sống là một trong những cách phòng ngừa bệnh tật tốt nhất. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là chế độ dinh dưỡng cân bằng và hoạt động thể chất thường xuyên. Duy trì lối sống lành mạnh có thể làm chậm lão hóa, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bởi các loại thuốc để điều trị bệnh tim mạch có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Tiến sĩ Louis Ignarro cho biết, oxit nitric là phân tử trong cơ thể góp phần giúp sự lão hóa diễn ra lành mạnh. Hợp chất này làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan như não, tim, gan và cơ bắp đang hoạt động. Một trong những đặc tính quan trọng của oxit nitric hỗ trợ ngăn ngừa đau tim, đột quỵ, các mảng bám cholesterol tích tụ trong động mạch; góp phần chống viêm ở khớp. Ngoài việc xây dựng chế độ dinh dưỡng, tăng cường tập thể dục còn giúp tạo ra oxit nitric. Đó là lý do tại sao hoạt động thể chất rất tốt cho sức khỏe.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh (Phó viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam), ThS Trần Văn Mạnh (Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam) cũng cho rằng, duy trì thói quen tốt như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, giảm căng thẳng và duy trì cân nặng phù hợp giúp mọi người phòng chống bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các khách mời trong chương trình còn lưu ý vai trò của các nhóm hỗ trợ trong việc thúc đẩy lối sống năng động và dinh dưỡng tốt giữa các cá nhân và cộng đồng.
Ngọc An