Theo Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về đau (IASP), gần 19 triệu người già phải trải qua các cơn đau khớp, trong đó, 75% bị đau ở nhiều khớp khác nhau. Ở độ tuổi 55, bạn có thể bị đau khớp mà trước đây chưa từng bị. Bên cạnh đó, ngay cả những người thường xuyên vận động, sống lành mạnh cũng có thể gặp một vài cơn đau khớp ở mức độ nhẹ. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra, cơn đau khớp ở người cao tuổi có liên quan tới sự lão hóa và có mối liên hệ chặt chẽ với sự thay đổi về thể chất.
Dưới đây là 3 mối nguy với xương khớp ở người già:
Đau khớp
Các kiểu đau khớp khác nhau có thể xảy đến khi cơ thể thay đổi, đặc biệt lúc tuổi già, trong đó, phổ biến nhất là hội chứng rách cơ gân chóp xoay vai. Tình trạng đau, cứng các khớp khác có thể xảy ra khi các bộ phận xung quanh khớp như dây chằng, gân bị mất nước hoặc lớp sụn bị bào mòn.
Một số bệnh lý có thể gây đau khớp ở người cao tuổi như: các bệnh tự miễn gồm: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến; bệnh liên quan đến sụn, dây chằng, gân; gout; thoái hóa khớp…
Các biện pháp điều trị đau khớp tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, ví dụ rách cơ gân chóp xoay vai có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, giảm cân có thể là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát các cơn đau viêm khớp nhờ giảm áp lực lên các khớp.
Tập thể dục có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau khớp ở người già nhưng cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, bác sĩ, nhà vật lý trị liệu. Các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội phù hợp với người cao tuổi nhưng cần quan sát các biểu hiện ở cơ thể để có biện pháp điều chỉnh cường độ tập luyện phù hợp nếu cảm thấy đau.
Đau lưng dưới
Đau lưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng tăng cao lúc về già, khoảng 75% người già trên 60 tuổi gặp vấn đề với lưng dưới. Vấn đề này gây ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày và thậm chí có thể gây tàn phế suốt đời.
Nguyên nhân dẫn tới đau lưng dưới có thể do mắc bệnh viêm cột sống, ngoài ra còn do hẹp ống sống thắt lưng (hẹp ống sống), gãy đốt sống do loãng xương (tình trạng xương yếu và giòn), nhiễm trùng cột sống, xuất hiện khối u…
Đau lưng dưới có thể điều trị bằng nhiều biện pháp, chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nhiễm trùng cột sống có thể điều trị với thuốc kháng sinh, trong khi bệnh viêm cột sống có thể điều trị bằng vật lý trị liệu và biện pháp y tế khác.
Té ngã và gãy xương
Theo Viện Lão khoa Mỹ, mỗi năm có khoảng 25% người già trên 65 tuổi bị ngã và hàng nghìn ca gãy xương ở người cao tuổi. Té ngã và gãy xương là mối quan tâm hàng đầu ở người cao tuổi đặc biệt là phụ nữ bị thoái hóa khớp. Theo dữ liệu của Tạp chí Thấp khớp châu Âu, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có một người bị gãy xương liên quan tới bệnh thoái hóa khớp.
Cùng với tình trạng bị thương, té ngã cũng là mối nguy hàng đầu dẫn tới tử vong, đặc biệt người già từ độ tuổi 70 trở nên. Nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Rochester Rochester, Mỹ cho thấy, khoảng 4,5% người già trên 70 tuổi tử vong sau khi bị ngã, trong khi ở người trẻ tuổi chỉ chiếm khoảng 1,5%.
Những trường hợp bị ngã nhẹ ở người cao tuổi mặc dù không dẫn tới tử vong nhưng cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến khả năng vận động, sức khỏe tổng thể và bị phụ thuộc vào người khác khi vận động, đi lại.
Các chuyên gia khuyến cáo, người già sau khi bị ngã nếu tỉnh táo nên giữ nguyên vị trí tiếp đất, không vội vàng đứng dậy, có thể thư giãn bằng cách ngồi tại chỗ, hít thở sâu. Sau đó kiểm tra xem cơ thể có bị chấn thương hay không trước khi đứng dậy và nếu có thể, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh.
Dù không bị chấn thương sau bị ngã nhưng tốt hơn hết, người cao tuổi hãy đi thăm khám chuyên khoa để kiểm tra các mối nguy tiềm ẩn sau khi ngã và khắc phục sớm, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng sau này.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)