Vợ chồng Hạnh thành công đón song thai, một trai, một gái nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mai Hạnh (27 tuổi, Phú Thọ), từng một lần mang thai tự nhiên nhưng bị sẩy khi thai mới được 5 tuần tuổi. Chủ quan nghĩ rồi sẽ có thai lại, nhưng vợ chồng cô đợi mãi không thấy gì. Họ sốt ruột chạy chữa Đông y, nhưng cũng không có kết quả.Đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội, Hạnh được chẩn đoán bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS); chồng tinh trùng yếu và dị dạng, tiền sử viêm gan C, cơ hội có con là rất khó.

“Hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ làm rối loạn quá trình rụng trứng, giảm cơ hội mang thai ở phụ nữ. Đây là một trong những lý do khiến Hạnh khó có con tự nhiên”, PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) cho biết.

Vợ chồng Hạnh bị mọi người xầm xì bàn tán, rồi đoán xem do vợ hay do chồng “không biết đẻ”. Áp lực tâm lý lẫn áp lực kinh tế khiến họ khổ sở. Năm hết Tết đến nghe người khác hỏi chuyện con cái họ lại chạnh lòng, ám ảnh.

Một buổi tối, cả gia đình quây quần bên bữa cơm, tình cờ xem một chương trình tư vấn về sức khỏe sinh sản, bố mẹ chồng động viên Hạnh tới BVĐK Tâm Anh, vì thấy các bác sĩ ở đây rất “mát tay” trong chữa hiếm muộn. Thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát, đi lại khó khăn, hai vợ chồng Hạnh vẫn quyết tâm tới khám với hy vọng mãnh liệt “đi 2 sẽ về 3”. Sau 2 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) không thành công, năm 2021 Hạnh quyết định làm IVF.

Tháng 6/2021 vợ chồng Hạnh chọc trứng, tạo được 24 phôi ngày 3, được bác sĩ Lê Hoàng khuyên tiếp tục nuôi phôi nang. Kết quả thu được 18 phôi tốt ngày 5, toàn bộ số phôi được trữ đông chờ thời điểm tốt sẽ tiến hành chuyển phôi.

Tháng 10/2021 Hạnh đến lịch hẹn canh niêm mạc chuẩn bị cho quá trình chuyển phôi. Dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều chốt kiểm soát được lập ra, việc đi lại vô cùng khó khăn. “Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19, vợ chồng tôi cầm kết quả cùng toàn bộ giấy tờ xe, hồ sơ bệnh án, quyết đi xe máy xuống Hà Nội tìm con. Với người hiếm muộn, thì giờ là vàng bạc”, Hạnh nhớ lại.

Tháng 11/2021, bác sĩ Lê Hoàng chuyển 2 phôi ngày 5 cho Hạnh. Thành công ngay lần đầu chuyển phôi, Hạnh mang song thai sau hơn 8 năm xuôi ngược “tìm con”.

Thai đôi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhưng suốt thai kỳ, Hạnh được các bác sĩ liên khoa Sản và IVF theo dõi rất sát sao nên hành trình thai nghén diễn ra khá suôn sẻ. Đến 37 tuần 2 ngày, 2 em bé một trai một gái chào đời khỏe mạnh, khóc to, ngoan và rất háu ăn. Anh Quang, chồng Hạnh, đã đặt tên con gái là Tâm Anh để tri ân các bác sĩ nơi giúp họ kết thúc hành trình 8 năm vất vả tìm con, toại nguyện giấc mơ làm cha mẹ.

Người đàn ông lần đầu làm bố run run ôm con trong tay xúc động kể: “Hồi mới quyết định làm IVF, tôi lo lắm, không dám tâm sự với ai vì sợ không thành công mọi người sẽ xì xào. Lúc que thử thai báo 2 vạch, vợ chồng ôm nhau khóc nấc vì sung sướng, hạnh phúc không nói lên lời”.

Anh cho biết hai vợ chồng làm công nhân, kinh tế không dư giả, ai cũng gàn nói làm IVF ở Tâm Anh chi phí cao, nhưng mọi thứ cho tới ngày hôm nay theo anh đều rất xứng đáng. “So với khoản chi phí vợ chồng tôi đã chi trả trên hành trình tìm con suốt bao nhiêu năm nay thì chỉ là rất nhỏ. Lúc đầu vợ chồng tôi mong đi 2 về 3 nhưng giờ được về 4, quá ‘lời’ rồi”, anh nói.

Ngắm bé Gấu và bé Thỏ đang ngủ say, vợ chồng Hạnh vẫn ngỡ đang mơ.

“Năm nay khác rồi, Tết có đào, có quất, có thêm 2 cục kim cương bồng bế nữa vợ chồng tôi chẳng mong mỏi gì hơn. Gặp đúng bác sĩ, đúng bệnh viện, ai rồi cũng sẽ được làm bố làm mẹ. Chúc tất cả các bà mẹ hiếm muộn năm tới sẽ thành công đón được ‘mèo vàng’ về nhà”, Hạnh nói.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Mai Linh