Người bệnh suy tuyến thượng thận có thể phải dùng thuốc điều trị suốt đời. Ảnh: Freepik.

Trả lời:

Tuyến thượng thận gồm hai tuyến nhỏ hình tam giác nằm trên đầu cả hai thận, sản xuất ra các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất, hệ thống miễn dịch, huyết áp, phản ứng với căng thẳng và các chức năng thiết yếu khác.

Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone. Có hai loại suy tuyến thượng thận là nguyên phát và thứ phát. Suy tuyến thượng thận nguyên phát hiếm gặp, nguyên nhân có thể do yếu tố bẩm sinh, tuyến thượng thận nhiễm trùng lao, nhiễm nấm, rối loạn di truyền của các tuyến nội tiết. Suy thượng thận thứ phát do u tuyến yên, tuyến yên bị cắt bỏ hoặc điều bị bằng bức xạ, các bộ phận của vùng dưới đồi bị loại bỏ, ung thư di căn tuyến thượng thận… và dùng corticoid kéo dài.

Suy tuyến thượng thận rất nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh dễ suy tuyến thượng thận cấp dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Lý do là người bệnh bị mất nước nghiêm trọng, hạ natri và không đáp ứng tốt với các biện pháp bù nước thông thường.

Khi bị suy tuyến thượng thận cấp, người bệnh cần được truyền dung dịch nước muối sinh lý ngay. Sau đó, bác sĩ tiêm hydrocortison hemisuccinat, điều trị chuyên khoa nhằm điều chỉnh nước và điện giải, bổ sung hormone thay thế, theo dõi tình trạng bệnh lý liên tục. Khi qua cơn nguy kịch, người bệnh cần tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, nếu có dấu hiệu tái phát phải xử trí ngay lập tức. Bên cạnh đó, bệnh nhân được chăm sóc, điều trị nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin thiết yếu…

Các dấu hiệu của suy tuyến thượng thận cấp gồm da nhợt nhạt, cảm giác nhớp nháp, nôn mửa, tiêu chảy nặng, thở nhanh, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, yếu cơ bắp, mất ý thức… Ngay khi phát hiện, người thân cần đưa người bệnh đến bệnh viện theo dõi, làm xét nghiệm kiểm tra mỗi 4-6 giờ để đánh giá.

Suy tuyến thượng thận thường gặp ở Việt Nam với nguyên nhân dùng corticoid kéo dài, thường gặp trên bệnh nhân hen suyễn, viêm khớp dạng thấp. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc corticoid. Người bệnh điều trị các bệnh hen suyễn, viêm khớp cần khám đồng thời với bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để kiểm soát tình trạng bệnh, không để xảy ra suy tuyến thượng thận.

Người bệnh đã bị suy tuyến thượng thận phải dùng thuốc corticoid suốt đời, cần mang thuốc dự trữ bên người. Khi gặp stress, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc vì lúc này cơ thể không đáp ứng với corticoid dạng uống.

ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM