Trả lời:
Bình thường trong phân có hỗn hợp nước, các chất dinh dưỡng không được hấp thụ như chất xơ, protein, chất béo và muối. Ngoài ra, một số chất thải khác như nhầy nhớt, vi khuẩn, tế bào chết cũng được bài tiết theo phân. Khi có quá nhiều chất béo trong phân được gọi là phân mỡ hoặc phân béo. Với người bình thường, lượng mỡ đào thải theo phân dưới 7 g một ngày, nếu nhiều hơn 7 g một ngày thì được chẩn đoán là phân mỡ. Người bệnh đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm theo dịch nhầy, mùi hôi, có váng mỡ nổi lên trên mặt nước trong bồn cầu là tiêu chảy phân mỡ.
Để chẩn đoán chính xác, bạn nên đi thăm khám chuyên khoa Tiêu hóa. Các bác sĩ sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy phân mỡ. Từ đó, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng này chẳng hạn như xuất hiện hạt mỡ đào thải theo phân do bạn ăn quá nhiều đồ ăn béo, thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ nên cơ thể không thể tiêu hóa và hấp thu hết. Một số người sau ngộ độc thức ăn, hệ tiêu hóa cũng giảm khả năng phân giải, tiêu hóa và hấp thu chất béo, dẫn đến tình trạng tiêu chảy phân mỡ. Người mắc các bệnh suy tụy ngoại tiết do các nguyên nhân tại tụy như viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, u tụy cũng có thể gặp tình trạng này.
Phân mỡ cũng có thể xảy ra với người mắc các bệnh suy tụy ngoại tiết do các nguyên nhân phẫu thuật ngoài tụy (như sau phẫu thuật cắt tụy, sau phẫu thuật cắt dạ dày, sau cắt đoạn ruột non dài); các bệnh suy tụy ngoại tiết do các nguyên nhân như tiểu đường, Zollinger – Ellison, bệnh Celiac, bệnh Crohn.
Nếu đang bị tiêu chảy phân mỡ, bạn có thể hạn chế các triệu chứng của bệnh bằng cách bổ sung đủ nước cho cơ thể; giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo; bổ sung thêm vitamin tan trong dầu (A, D, E và K), B12, axit folic, sắt, magie, canxi; dừng hút thuốc lá và uống rượu bia… Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, bạn cần tái khám để được điều trị.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội