Đầu gối là một trong những bộ phận quan trọng của bộ xương, tham gia vào mọi hoạt động, gần như liên tục, suốt cả ngày như ngồi, đứng, di chuyển, nhảy và uốn cong. Đây là một khớp phức tạp và dễ bị tổn thương khi vận động mạnh.
Theo Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ, gần 15 triệu người gặp chấn thương về đầu gối mỗi năm. Không chỉ các vận động viên, một số vấn đề về đầu gối có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Dưới đây là 6 thói quen bạn nên tránh để bảo vệ đầu gối của mình:
Bỏ qua cơn đau đầu gối
Đôi khi cảm thấy đau ở đầu gối có thể không phải là dấu hiệu nguy hiểm nhưng cần biết khi nào bạn không thể phớt lờ các dấu hiệu nghiêm trọng. Khi cơn đau hạn chế vận động hoặc khiến bạn không thể làm những công việc thường ngày, đã tới lúc cần đi kiểm tra. Đây cũng là cách cơ thể đang gửi tín hiệu, bạn cần phải lắng nghe và theo dõi mức độ ảnh hưởng.
Thừa cân
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), cứ 3 người trưởng thành béo phì thì có 2 người bị thoái hóa khớp gối một lần trong đời. Thừa cân làm tăng khả năng bị viêm xương khớp ở đầu gối, một dạng viêm khớp phổ biến và thường làm mòn sụn đệm của đầu gối, có nguy cơ tàn phế. Những người bệnh viêm khớp bị thừa cân cũng khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Giảm 4 kg cân nặng cũng góp phần giúp cho đầu gối giảm tải tới 16 kg áp lực trọng lượng lên hệ xương. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt hao mòn ở cơ xương đầu gối, giảm cơn đau khớp, phòng tránh được những bệnh tiềm ẩn liên quan.
Không để đầu gối nghỉ sau chấn thương
Dành thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau chấn thương đầu gối là điều rất quan trọng để giảm bớt cơn đau và phòng tránh tái chấn thương sau này. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và cách điều trị, quá trình phục hồi có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Nhiều người, đặc biệt là các vận động viên trẻ tuổi nôn nóng trở lại thi đấu hay tập luyện ngay khi hết dấu hiệu đi khập khiễng. Hành động ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, nhà vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể thao để đảm bảo có biện pháp vận động phù hợp, giúp tăng cường sức mạnh dần dần cho khớp gối.
Lặp đi lặp lại bài tập gây đau
Nếu bất kỳ hoạt động thể thao hoặc bài tập nào khiến đầu gối của bạn trở nên đau đớn, hãy ngừng chơi hoặc ít nhất là giảm cường độ tập luyện. Cùng với trượt tuyết, leo núi, chạy bộ, bóng rổ và tennis cũng là những môn thể thao dễ gây tổn thương đầu gối, do đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và phân bổ cường độ tập luyện hợp lý để giảm nguy cơ chấn thương.
Khi cơn đau đã thuyên giảm, bạn có thể dễ dàng vận động và tập luyện các môn thể thao mình yêu thích.
Tập luyện quá sức
Tăng cường độ tập luyện đột ngột có thể gây ra chấn thương do sử dụng quá mức các cơ và lặp đi lặp lại căng thẳng đè nặng lên khớp. Viêm gân và đau xương bánh chè là triệu chứng thường gặp ở đầu gối do thói quen này.
Sự gắng sức và lạm dụng tập luyện ở các vận động viên có dẫn đến chấn thương hoặc giảm thành tích. Hãy duy trì các bài tập giãn cơ và thả lỏng trước cũng như sau khi tập thể dục. Cùng với đó, đừng quên theo dõi dấu hiệu từ cơ thể sau khi trải qua một bài tập cường độ cao để đảm bảo việc nghỉ ngơi hợp lý nếu cần thiết.
Không chú trọng các cơ quanh đầu gối
Theo Mayo Clinic, cơ bắp yếu và thiếu linh hoạt là nguyên nhân chính gây ra chấn thương đầu gối. Một trong những dây chằng thường bị tổn thương nhiều nhất ở đầu gối là dây chằng chéo trước (ACL). Tại Mỹ có khoảng 150.000 ca chấn thương này mỗi năm.
Các cơ xung quanh xương bánh chè, hông và xương chậu khỏe mạnh sẽ giữ cho đầu gối ổn định và cân bằng, do đó, việc bảo vệ các cơ trên cũng giúp tăng cường các khớp cốt lõi của cơ thể, bao gồm cả xương đầu gối.
Các chuyên gia khuyến cáo, những vận động viên ở mọi lứa tuổi khi chơi các môn thể thao dễ gặp rủi ro về chấn thương ACL nên cần có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên thể thao hoặc chuyên gia để giúp phòng ngừa chấn thương phổ biến này.
Bảo Bảo (TheoWebMD)