Các nguyên nhân thường gặp liên quan đến tình trạng giảm thính lực là lão hóa, tiếp xúc với tiếng ồn, bệnh lý và thuốc gây độc cho tai. Hơn 200 loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tai. Đó là những loại thuốc có tác dụng phụ đối với tai, bao gồm cả một số loại kháng sinh.
ThS.BS.CKI Diệp Phúc Anh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, nhóm thuốc kháng sinh aminoglycoside có khả năng gây suy giảm, thậm chí mất thính lực nếu sử dụng quá liều. Nhóm kháng sinh độc lực cao này làm giảm khả năng tạo protein của vi khuẩn, từ đó làm suy yếu mầm bệnh và ngăn chặn sự lây lan của vi trùng. Nó thường được sử dụng trong điều trị viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng và các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng khác.
“Aminoglycoside đã được phát triển gần 60 năm trước và hiện nay tuy có rất nhiều loại kháng sinh khác nhưng thuốc này vẫn được sử dụng vì tính hiệu quả và rẻ tiền. Aminoglycoside phổ biến nhất ở dạng truyền tĩnh mạch nhưng nó cũng được sử dụng rộng rãi dưới dạng thuốc viên”, bác sĩ Phúc Anh nói.
Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Nam Illinois và một số đơn vị thực hiện trên chuột năm 2021 cho thấy, nhiễm trùng và phản ứng viêm làm cho các kênh ion trong các tế bào lông thính giác trở nên dễ bắt thuốc hơn. Điều này dẫn đến việc các tế bào nhạy cảm trong ốc tai hấp thụ nhiều thuốc hơn.
Sự khuếch đại tác dụng gây độc của thuốc trên các tế bào làm hỏng các tế bào thính giác ở tai trong, loại tế bào giúp phát hiện âm thanh và chuyển động. Cuối cùng mất thính giác thần kinh tiếp nhận vĩnh viễn, dẫn đến chóng mặt và ù tai.
Aminoglycoside có thể gây ảnh hưởng đến tai trong như: làm tổn thương hệ thống tiền đình của tai, gây chóng mặt và các triệu chứng tương tự; làm hại các tế bào ốc tai, loại tế bào phát hiện âm thanh. Trong một số trường hợp, một loại thuốc có thể vừa gây độc cho tiền đình vừa gây độc cho ốc tai.
Những người sử dụng aminoglycoside không đúng cách có thể bị mất thính lực ở một mức độ nào đó, từ nhẹ đến nặng. Sử dụng liều cao aminoglycoside trong thời gian dài có thể gây điếc.
Bác sĩ Phúc Anh khuyến cáo, nhóm thuốc kháng sinh liều cao aminoglycoside chỉ nên được dùng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Do độc tính mạnh đối với tai của thuốc này nên chúng ta không được sử dụng tùy tiện. Không chỉ gây suy giảm thính lực, điếc, aminoglycoside còn có thể gây hại cho thận, tiền đình và kháng thuốc kháng sinh khi điều trị các tình trạng nhiễm trùng về sau.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh khiến cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, chi phí cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong. Hiện nay, mỗi năm có ít nhất 700.000 người chết do các bệnh kháng thuốc. Liên Hợp Quốc cũng dự báo các bệnh kháng thuốc có thể khiến 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2050.
Để tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh, WHO khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ; không dùng lại đơn thuốc của người khác; cần dùng thuốc kháng sinh đủ và đúng liều. Mọi người cũng nên chủ động phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng để tránh việc phải dùng thuốc kháng sinh; không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Nguyên Phương